Đó là nhận định của TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM tại hội nghị tổng kết ngành y tế TP.HCM năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016.
TS-BS Thượng kiến nghị UBND TP giải quyết khó khăn, tăng định mức giá trị trang thiết bị cho các BV tự mua sắm. Bởi bên cạnh việc thiếu trang thiết bị điều trị, tại các BV, các công trình xây dựng cơ sở mới và trang thiết bị mới không đồng bộ, lo là cơ sở xây xong mà chưa có trang thiết bị.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP, đề nghị Sở Y tế nhận định kết quả, hiệu quả phương thức mua sắm hiện nay, thẩm quyền về mức giá trị được phân cấp theo giám đốc BV, mức nâng lên là bao nhiêu, cơ sở đề xuất thực hiện. Trên cơ sở đó TP sẽ nghiên cứu và giải quyết.
Theo bà Thu, hiện nay đối với trang thiết bị y tế chỉ ủy quyền với mức độ 500 triệu đồng là rất thấp so với những thiết bị y tế chuyên dùng. “Tôi đồng tình với ý kiến này nhưng phải dè dặt trên cơ sở tham mưu thật chính xác của Ban Giám đốc Sở Y tế. TP không ngại ủy quyền cho giám đốc các BV nhưng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xem việc sử dụng ủy quyền đó ở mức độ như thế nào để làm đúng và trúng, còn không sẽ để hệ quả sau này xử lý nhiều vấn đề, nhiều khi là dẫn đến chuyện mất cán bộ, điều này là tối kỵ. Ngành y tế đòi hỏi người có cái tâm, nếu vướng vào tiền bạc sẽ mất đi cái tâm trong sáng thì không hay. Nhiều khi ủy quyền 2-3 tỉ đồng, thay vì tiền BV mua máy móc, thiết bị mới đúng chuẩn thì lại mua máy móc, thiết bị đã qua sử dụng mang về thành đống sắt vụn rồi phải đi sửa chữa thì không thể chấp nhận được. Chọn thiết bị ở các nước G7 nhưng nếu họ sản xuất trong các nước G7 thì chất lượng khác hoàn toàn so với thiết bị các nước G7 bán cho mình nhưng sản xuất tại Trung Quốc” - Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.
Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý, nếu để xảy ra sự cố thì UBND TP sẽ kiếm giám đốc Sở Y tế đầu tiên, sau đó là đến giám đốc các BV. “Cái nào giao quyền được thì giao quyền nhưng quy trách nhiệm của người đứng đầu nặng nề và cụ thể hơn”.