Lùi từ 44,7 điểm quản trị doanh nghiệp của năm 2010 về 42,5 điểm năm 2011, đại diện IFC cho rằng, tinh thần và sự nhiệt tình trong kinh doanh đang bị lãng phí suốt 3 năm qua tại Việt Nam.
> S&P hạ triển vọng dài hạn Vietinbank xuống tiêu cực
Phát biểu tại lễ công bố năm thứ 3 liên tiếp về Thẻ điểm Quản trị công ty đối với các đơn vị niêm yết vào sáng nay tại Hà Nội, bà Anne Molynex - Chuyên gia tư vấn về Quản trị công ty của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đề cập nhiều tới những điểm trừ của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2011.
Bà Molynex cho rằng, với kết quả chung về quản trị doanh nghiệp giảm từ 44,7 điểm của năm 2010 về 42,5 điểm năm 2011 là một bước lùi của các công ty Việt Nam. Trong đó, cả 5 lĩnh vực để đánh giá tình hình quản trị doanh nghiệp được IFC xét đến tại cuộc khảo sát 100 đơn vị niêm yết trên 2 sàn chứng khoán TP HCM và Hà Nội (tăng 25 đơn vị so với 2 năm 2009 và 2010) đều đi xuống (bảng).
Đại diện của IFC đề cập tới con số 86% nhà đầu tư sẽ quan tâm đến báo cáo về tình hình quản trị doanh nghiệp (theo khảo sát của IFC) và lặp lại 3 lần con số này khi nói về việc sẽ có từng ấy niềm tin của nhà đầu tư mất đi nếu doanh nghiệp gian dối.
Chỉ tiêu | Trung bình % | Thấp nhất % | Cao nhất % | ||||||
2009 | 2010 | 2011 | 2009 | 2010 | 2011 | 2009 | 2010 | 2011 | |
Kết quả chung về Quản trị kinh doanh | 43,9 | 44,7 | 42,5 | 20,5 | 29,3 | 17,4 | 60,9 | 58,6 | 57,5 |
Lĩnh vực A - Quyền cổ đông | 46,8 | 48,5 | 47 | 2,4 | 19,3 | 11,9 | 78,6 | 74 | 73,8 |
Lĩnh vực B - Đối xử bình đẳng với cổ đông | 65,1 | 61 | 57,8 | 25 | 39 | 13,9 | 86,1 | 78 | 80,6 |
Lĩnh vực C - Vai trò của các bên liên quan | 29,2 | 29,4 | 22,7 | 6,3 | 0 | 6,3 | 68,8 | 68 | 62,5 |
Lĩnh vực D - Minh bạch và công bố thông tin | 39,4 | 43,2 | 40,1 | 15,6 | 24,3 | 21,7 | 62,5 | 61,3 | 60 |
Lĩnh vực E - Trách nhiệm của HĐQT | 35,3 | 36,1 | 35,9 | 11,3 | 17,7 | 9,7 | 53,2 | 55 | 54,8 |
Bà Molynex cũng nhấn mạnh tới lĩnh vực D - Minh bạch và công bố thông tin và cho rằng, đây là hình ảnh của các doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư. "Nhà đầu tư ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn với tình trạng này", đại diện IFC nói.
Xét về tình hình quản trị trong một số ngành kinh doanh tại Việt Nam, bà Molynex đánh giá ngành ngân hàng và tài chính (45 điểm) là "tương đối tốt hơn so với mặt bằng chung (42,5 điểm)". Tuy nhiên, đại diện Molynex cũng nhấn mạnh là ngành này vẫn phải nỗ lực rất nhiều để đạt đến mức tốt.
Một số vấn đề khác như gian dối trong báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán và thổi phồng số liệu kinh doanh cũng được bà Molynex cũng đề cập tới trong bài phát biểu của mình.
Kết thúc bài phát biểu của mình, bà Molynex nói: "Rất tiếc trong 3 năm qua, tinh thần kinh doanh và sự nhiệt tình đã bị lãng phí mà chưa khai thác được ở các doanh nghiệp Việt Nam".
Trong báo cáo về Thẻ điểm quản trị, IFC cho rằng, lĩnh vực C (giảm 6,7%) của Việt Nam đang đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới là chú trọng hơn tới lợi ích của các bên có quyền lợi liên quan trong hoạt động kinh doanh và quan tâm nhiều hơn tới người lao động và môi trường.
Cũng trong báo cáo này, theo IFC, xét tiêu chuẩn thực tế về quản trị doanh nghiệp tốt thì điểm số chung phải đạt 65% đến 74%, tuy nhiên "không một công ty trong khảo sát nào của Việt Nam đạt mức điểm này".
Trong đánh giá 2012, không doanh nghiệp nào đạt kết quả đáng hài lòng vì toàn bộ điểm số Quản trị doanh nghiệp đều ở dưới mức 60% và điểm bình quân của tất cả các doanh nghiệp chỉ đạt 42,5. Báo cáo về Thẻ điểm quản trị khác ở Châu Á có nội dung tương tự cho kết quả cao hơn nhiều. Trong đó, Thái Lan đạt 77% năm 2011, Hong Kong 74% năm 2009, Philipin đạt 72% năm 2008. Đánh giá này dựa trên khảo sát của 100 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn TP HCM (HoSE) và Hà Nội (HNX) tại thời điểm 1/1/2011, trong đó có 20 công ty trên HNX và 80 trên HoSE. Số doanh nghiệp này tính chung đại diện cho hơn 80% tổng giá trị vốn hóa trên thị trường. 25 công ty lớn nhất có mức vốn hóa thị trường từ 2.610 tỷ đến 48.104 tỷ đồng. 75 công ty còn lại có mức vốn hóa tương đối nhỏ. |
Hàn Phi